Việt Nam – ngôi sao đang lên trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất

Việt Nam – ngôi sao đang lên trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất
Nguồn tin: Báo Hải quan
Là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai ở châu Á và lớn thứ nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất.
https://fireant.vn/top-symbols
Ngành sản xuất gỗ đang đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại. Ảnh: T.H
Ngày 18/10, tại Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ (VietnamWood 2022), các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã được tiếp cận, đàm phán đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất gỗ tiên tiến hiện đại, phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu mặt hàng gỗ chế biến và nội thất lớn thứ 6 trên thế giới, với hơn 4% thị trường toàn cầu, lớn thứ hai ở châu Á và lớn thứ nhất ở Đông Nam Á.
Chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 11 tỷ USD. Việt Nam chắc chắn là một ngôi sao đang lên trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn trong ngành cũng nhìn nhận, thị trường sản xuất, xuất khẩu gỗ đầy hứa hẹn này vẫn đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu và máy móc hiện đại. Cụ thể, nguồn cung ứng gỗ trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, các thiết bị đang sử dụng được sản xuất bình quân từ những năm 2010.
VietnamWood 2022 thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Âu, nơi có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển lâu đời.
Triển lãm năm nay sẽ ấn tượng hơn với các khu gian hàng quốc tế như: khu gian hàng Canada, khu gian hàng Pháp, khu gian hàng Đức, khu gian hàng Nga, khu gian hàng Mỹ…, tập trung giới thiệu chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa ngành công nghiệp chế biến gỗ và nội thất tại Việt Nam.
Ông Lê Đức Hiếu, Giám đốc dự án Công ty Vetta cho rằng, với sự lên ngôi của xu hướng tự động hóa sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ nhằm giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ máy móc, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng định hướng được dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa.
Các thương hiệu tham gia VietnamWood 2022 đã giới thiệu các giải pháp kiểm soát được sản phẩm từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành và chuyển đến tay người tiêu dùng. Từ đó đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các thành phẩm, giảm chi phí sản xuất, đổi mới cải tiến mẫu mã, tăng lợi nhuận. Đây cũng là chiến lược của ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, việc đầu tư công nghệ cùng các giải pháp phần mềm đóng vai trò quan trọng cho ngành công nghiệp gỗ tiến tới mô hình nhà máy sản xuất thông minh. Hiện sản xuất thông minh không còn mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư vào mô hình này hiện rất thấp (5-10%). Doanh nghiệp gỗ Việt Nam đủ năng lực tài chính để đầu tư, nhưng thiếu nhân sự đủ năng lực để vận hành các công nghệ và giải pháp phần mềm.
Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ (VietnamWood 2022) và Triển lãm quốc tế về thiết bị nội thất, ngũ kim và công cụ ngành Công nghiệp gỗ (Furnitec 2022) đã quy tụ trên 250 nhà cung cấp lớn đến từ 25 quốc gia và khu vực.
Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0987 120 120